Trang chủ Tin tức Tin tức từ trường

Phiếu ôn tập và củng cố kiến thức Tiếng Việt tuần 7

26/10/2023

Luyện Tiếng Việt tuần 7

RỪNG TRƯA

Rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ của nó trong ánh mặt trời vàng óng. Những thân cây tràm vỏ trắng vươn lên trời, chẳng khác gì những cây nến khổng lồ, đầu lá rủ phất phơ. Từ trong biển lá xanh rờn đã bắt đầu ngả sang màu úa, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời. Tiếng chim không ngớt vang ra, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm không cùng. Trên các trảng rộng và xung quanh các lùm bụi thấp mọc theo các lạch nước, nơi mà sắc lá còn xanh, ta có thể nghe tiếng vù vù bất tận của hàng nghìn loại côn trùng có cánh không ngớt bay đi bay lại trên những bông hoa nhiệt đới sặc sỡ, vừa lộng lẫy nở ra đã vội tàn nhanh trong nắng. Mùi hương ngòn ngọt nhức đầu của những loài hoa rừng không tên tuổi đắm vào ánh nắng ban trưa khiến con người dễ sinh buồn ngủ và sẵn sàng ngả lưng dưới một bóng cây nào đó, để cho thứ cảm giác mệt mỏi chốn rừng trưa lơ mơ đưa mình vào giấc ngủ chẳng đợi chờ.

(Đoàn Giỏi)

Dựa vào bài đọc, hãy khoanh vào những câu trả lời đúng:

Câu 1. Bài văn tả cảnh gì?

A.Cảnh những cây tràm ở Nam Bộ.

B.Cảnh rừng khô trong ánh mặt trời sáng sớm.

C.Cảnh rừng tràm vào buổi trưa nắng nóng.

D. Cảnh rừng khô mùa thay lá.

Câu 2. Thân, vỏ, lá rừng tràm trong buổi nắng trưa được tác giả miêu tả qua cảm nhận của những giác quan nào?

A. Miêu tả qua thị giác, khứu giác.

B. Miêu tả qua thị giác, thính giác.

C. Miêu tả qua thị giác, thính giác, khứu giác.

D. Miêu tả qua thính giác, khứu giác.

Câu 3. Em hiểu thế nào là “mùi hương ngòn ngọt nhức đầu”?

A. Mùi hương thoảng nhẹ theo gió rất dễ chịu.

B. Mùi hương đậm đặc của những loại hoa như có vị ngọt làm cho con người như bị say.

C. Mùi hương thoảng nhẹ nhưng rất khó chịu.

D. Mùi hương nồng nàn, ngây ngất.

Câu 4. Ý nghĩa của bài đọc là gì?

A. Miêu tả cảnh rừng trưa.

B. Ngợi ca vẻ đẹp mạnh mẽ, huyền bí của rừng vào buổi trưa nắng nóng.

C. Miêu tả sức cuốn hút diệu kì của thiên nhiên.

Câu 5. Dòng nào dưới đây chỉ gồm những từ ghép đồng nghĩa với từ xanh?

A. Xanh lè, xanh biếc, xanh tươi, xanh um.

B. Xanh rờn, xanh xao, xanh lè, xanh biếc.

C. Xanh xanh, xanh ngắt, xanh biếc, xanh tươi.

Câu 6. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa từ khổng lồ?

A.Có độ cao hơn mức bình thường.

B.Có kích thước lớn hơn mức bình thường.

C.Có kích thước gấp nhiều lần so với mức bình thường.

Câu 7. Dòng nào dưới đây gồm các từ trái nghĩa với từ khổng lồ?

A. Bé nhỏ, xinh xắn, xinh đẹp, nho nhỏ, nhỏ xíu.

B. Nhỏ bé, bé nhỏ, nhỏ xíu, be bé, nho nhỏ, tí hon.

C. Tí hon, to lớn, nhỏ bé, tí xíu, tí ti.

Câu 8. Trường hợp nào dưới đây từ đầu được dùng với nghĩa chuyển?

A. Em Lan đã biết tự chải đầu.

B. Đầu con voi rất to.

C. Đầu lá rủ phất phơ.

D. Chúng em chụm đầu vào nhau để bàn bạc.

Câu 9. Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ láy?

A. Sẵn sàng, lơ mơ, vù vù, ngòn ngọt, sặc sỡ, lộng lẫy

B. Phất phơ, vù vù, sặc sỡ, mệt mỏi, lộng lẫy.

C. Lơ mơ, ngòn ngọt, sặc sỡ, vù vù, mệt mỏi.

Câu 10. Dòng nào dưới đây nêu đúng các màu sắc được miêu tả trong “bức tranh” rừng trưa?

A.Vàng óng, trắng, xanh.

B.Vàng óng, màu úa.

C.Vàng óng, xanh, trắng, màu úa, các màu sặc sỡ.

 

Câu 11. Trong các câu sau, câu nào có từ ăn được dùng theo nghĩa gốc?

A.Làm không cẩn thận thì ăn đòn như chơi.

B.Chúng tôi là những người làm công ăn lương.

C.Cá không ăn muối cá ươn.

D.Bạn Hà thích ăn cơm với cá.

Câu 12. Đọc hai câu thơ sau:

Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên.

Nghĩa của từ “ xuân” trong đoạn thơ là:

A. Mùa đầu tiên trong 4 mùa

B.Tuổi tác

C.Trẻ trung, đầy sức sống

D.Ngày

Câu 13. Câu văn nào sử dụng từ quả mang nghĩa chuyển trong các câu văn sau?

A. Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao.

B. Quả cau nho nhỏ.

C. Trăng tròn như quả bóng.

D. Cây hồng nhà bà ngoại rất sai quả.

Câu 14: Từ  trong câu văn nào dưới đây mang nghĩa gốc

A.Lá cờ tung bay trước gió.

B.Mỗi con người có hai lá phổi.

C.Về mùa thu, cây rụng lá.

D.Ông viết một lá đơn dài để đề nghị giải quyết.

Câu 15: “Chết đuối bám được cọc”; “Bụi bám đầy quần áo”; “Bé bám lấy mẹ”

Các từ bám ở trong những ví dụ trên là các từ:


A. Từ nhiều nghĩa

B. Từ đồng nghĩa

C. Từ đồng âm

D. Từ trái nghĩa

Câu 16: Trong câu nào dưới đây, từ mầm non được dùng với nghĩa gốc?

A.Bé đang học ở trường mầm non.

B.Thiếu niên, nhi đồng là mầm non của đất nước.

C.Trên cành cây có những mầm non mới nhú.

D.Thế hệ mầm non tương lai của đất nước cần ra sức thi đua, học tập.

HẾT

Ban truyền thông khối 5
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC

Tin mới nhất

Liên kết website