Trang chủ Tin tức

Tự hào "Chiến sĩ nhỏ lớp 3 Kim Đồng"

22/04/2024
Tháng tư sắp đi qua với không khí tưng bừng Kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 lịch sử. Và Tháng 5 về, cả nước lại rộn ràng, bồi hồi, tự hào khi nhắc đến một sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử giải phóng của dân tộc ra. Đó chính là “Chiến dịch Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Để giáo dục cho các em học sinh biết về lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng như tinh thần tự hào, lòng biết ơn về những công lao to lớn của các anh hùng, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, khối 3 trường Tiểu học Kim Đồng đã tham gia dự thi với 2 phần với kết quả vô cùng ấn tượng. Phần I: Giới thiệu sách “Võ Thị Sáu – Con người và huyền thoại” đạt giải Nhất. Phần II: Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên “Kể chuyện Điện Biên Phủ” đạt giải Nhì.

Trong phần Giới thiệu sách, tập thể học sinh Khối 3 đã xây dựng hoạt cảnh để kể lại câu chuyện “Võ Thị Sáu- Con người và huyền Thoại” của tác giả Nguyễn Đình Thống. Lật từng trang sách, tác giả Nguyễn Đình Thống sẽ dẫn dắt bạn đọc đi suốt cuộc đời chị Võ Thị Sáu, từ tuổi thơ lam lũ trên quê hương đất đỏ giàu truyền thống cách mạng, đến những trận đánh táo bạo của chị cùng đồng đội, những giây phút đối mặt với kẻ thù trong nhà tù thực dân đế quốc, những giây phút hào hùng nhất của cuộc đời chị trước lúc hi sinh để chị Võ Thị Sáu – bông hoa ngát hương hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Cuốn sách gồm 6 phần nhỏ chứa đựng trong 90 trang do nhà xuất bản Tổng hợp Hồ Chí Minh phát hành. Phần 1 nói về sự thăng trầm của một tấm bia mộ, nhằm giải thích cho những tò mò về ngôi mộ của chị

Phần 2 của cuốn sách là tuổi thơ lam lũ, nghèo khó trên quê hương đất đỏ của chị. Những trang sách kể lại những hình ảnh chị đi chợ cùng mẹ, chợ vắng, chị nhặt những bông hoa Lê Ki Ma sâu thành chuỗi rồi đeo vào cổ, hình ảnh ấy thật đẹp biết bao. Quá trình hoạt động cách mạng của chị được kể lại rất cụ thể ở phần 3 với những tình tiết xác thực viết về những lần chị đã xuất sắc hoàn thành những nhiệm vụ được giao.

Năm 1950, tại phiên chợ Tết ,chị đã dẫn đầu một tổ chức, dùng lựu đạn tập kích diệt trừu lính ngụy, không may chị bị bắt. Nhưng chưa đủ tuổi nên chị bị giam ở Bà Rịa, sau đó chuyển đến các khám ở Sài Gòn, Chí Hòa. Khi đọc phần 4,5,6, chúng em cảm thấy xót xa bởi những trang sách tái hiện những đau thương, bất khuất ở nhà giam - nơi được gọi là "địa ngục trần gian". Bởi, những tra tấn, hành hung dã man và kiếp sợ nhất hay như đói rét, máu, nước mắt và cái chết,.. diễn ra từng từng phút, từng giờ nơi đây. Với chị Võ Thị Sáu. chúng đã đánh đập, cho điện giật, cho rắn độc bò quanh người. Tuy bị giặc tra tấn dã man là thế nhưng thực dân Pháp không khai thác được thông tin gì từ chị. Tháng 1 năm 1952 chị bị kết án tử hình, khi nhận án tử chị không hề run sợ.

Ngày 23/1/1952, khoảng 4h sáng , trong bộ áo bà ba trắng, chị Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và được công nhận là Đảng viên chính thức ngay đêm trước khi hi sinh. Từ các trại giam nổi lên những tiếng hô thất thanh vang vọng “phản đối xử bắn Võ Thị Sáu- phản đối , phản đối , phản đối”. Rạng sáng hôm ấy, chánh án, viên cố đạo và bọn lính kéo đến đông đủ, vì hiếu kì vì đây là lần đầu tiên có một người con gái dưới tuổi thành niên bị bắn ngoài đảo khơi, xa cách đất liền. Chúng hỏi chị Sáu “cô có ân hận gì nữa không? Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta trả lời: "Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước". rồi chúng dẫn chị đến gặp cố đạo Tây, xin phép được rửa tội cho chị. Cha rửa tội cho con, nhưng chị nói “Tôi không có tội, yêu nước không phải là tội, nếu cha muốn rửa tội thì hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây ” rồi chúng dẫn chị ra pháp trường.

Khi ra tới pháp trường, chúng bịt mắt chị lại, nhưng chị lại nói: "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng “ và chị nhìn thẳng vào họng súng của bọn thực dân Pháp và hô to! "Đả đảo thực dân Pháp!". "Việt Nam độc lập muôn năm!". "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và thiêng liêng này đã được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lưu lại bằng những dòng thơ không thể nào quên.

Người con gái trẻ măng

Giặc đem ra bãi bắn

Đi giữa hai hàng lính

Vẫn ung dung mỉm cười

Ngắt một đóa hoa tươi

Chị cài lên mái tóc

Đầu ngẩng cao bất khuất

Ngay trong lúc hy sinh

Bây giờ dưới gốc dương

Chị nằm nghe biển hát

Có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca. Sự hi sinh của chị Võ Thị Sáu cùng bao tấm gương anh hùng khác đã trở thành lịch sử hào hùng xây đắp nên đất nước tự do, độc lập và hòa bình hôm nay.

Chị đã hi sinh nhưng tấm gương yêu nước, bất khuất kiên trung của chị còn sống mãi trong lòng nhân Việt Nam, sống mãi với thời gian.

Tiếp theo, học sinh khối 3 tiếp tục mang tới hoạt cảnh dự thi Chiến sĩ nhỏ Điện Biên“Kể chuyện Điện Biên Phủ” dựa theo cuốn truyện tranh lịch sử theo lời kể của nhà văn Hữu Mai, tranh vẽ của họa sĩ Huy Toàn. Điện Biên Phủ - nơi cách đây 70 năm đã rền vang tiếng súng của quân và dân Việt Nam đã trút xuống đầu quân xâm lược Pháp, làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Trong 56 ngày đêm máu lửa ấy, đã diễn ra hàng trăm trận chiến đấu lớn nhỏ. Nhiều trận đã đi vào lịch sử, đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Tây Bắc, nhân dân Việt Nam, nhân dân bị áp bức và bầu bạn khắp năm châu.

Thời gian tập hoạt cảnh của các em học sinh khối 3 tuy không nhiều, nhưng bằng sự nỗ lực và động viên của các cô giáo mà các em đã hoàn thành nhiệm vụ được giao với thành tích đáng tự hào. Qua hoạt cảnh, các em học sinh toàn trường cũng một phần nào thấy được ý nghĩa to lớn của ngày 7/5/1954 đối với công cuộc giải phóng đất nước. Các em đã thực sự xúc động khi biết được tinh thần, ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh của các chiến sĩ vì độc lập tự do của dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Chúng ta cần ghi nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của nhân dân ta... Máu đào của các chiến sĩ đã làm cho lá cờ Cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Thực hiện lời dạy của Bác, học sinh chúng ta càng không ngừng học tập và rèn luyện để xứng với công lao to lớn ấy.

Ban truyền thông Khối 3

Khối 3
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Tin mới nhất

Liên kết website