Trang chủ Tin tức

Một số giải pháp phòng ngừa tai nạn, thương tích mùa giông, bão

13/06/2021
https://rd.zapps.vn/detail/1720910642388860034?id=9a0a55040e41e71fbe50&pageId=1720910642388860034&broadcastId=2de603f127b4ceea97a5&zarsrc=33&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zaloTrong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình mưa bão lớn liên tục xảy ra đã gây ra nhiều các sự cố sụp đổ cấu kiện, công trình và cây cối ảnh hưởng đến sinh hoạt và nguy cơ mất an toàn tính mạng của người dân

Năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều các cơn mưa, bão diễn biến hết sức phức tạp và có sức tàn phá dữ đội có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và tính mạng của bà con nhân dân trên địa bàn.

Để có thêm một số giải pháp phòng ngừa các tai nạn, thương tích trong mùa nắng nóng đang diễn ra thường xuyên xuất hiện các cơn giông gió lớn bất chợt và mùa mưa, bão sắp tới, Công an quận Ba Đình khuyến cáo đến người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở, các cá nhân và chủ hộ gia đình trên địa bàn quận thực hiện tốt một số nội dung sau:

I. Đối với các cá nhân, hộ gia đình

- Chủ động, cảnh giác với các nguy cơ tai nạn, sự cố cho bản thân như: Không đi ra ngoài trời mưa, giông, bão khi không cần thiết. Phải mang các dụng cụ, phương tiện bảo vệ như mũ bảo hiểm, bảo hộ lao động, phao bơi, đèn chiếu sáng sự cố v.v... khi phải ra ngoài trời mưa, giông, bão.

- Chủ động cắt tỉa cây xanh thuộc sở hữu riêng hoặc đề nghị cơ quan chức năng cắt tỉa cây xanh công cộng có nguy cơ đỗ, gãy vào nhà riêng hoặc nơi có nguy hiểm đến tính mạng con người.

- Kiểm tra, chằng, néo các thiết bị, cấu kiện, mái che, cửa sổ, cửa ra vào chính của các ngôi nhà trên tầng cao thuộc sở hữu riêng (nhà riêng) đề phòng tai nạn, sự cố cho bản thân và người khác. Đối với các hộ dân trên các chung cư, nhà nhiều tầng cần chú ý đóng cửa sổ, cửa ra vào mỗi khi ra khỏi nhà; gỡ bỏ các chậu hoa, cây cảnh, các rèm che, mái vẩy trên các hành lang, ban công đề phòng gió giật mạnh gây đỗ, vỡ và gây tai nạn cho những người ở dưới.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu mất an toàn (nguy cơ sụp đổ cấu kiện, cột hoặc đường dây điện, mất nắp trên đường cống thoát nước, hố sâu ngập nước v.v...) tại nhà riêng hoặc nơi công cộng cần báo cáo kịp thời cho người có chức năng hoặc các cơ quan công an, chính quyền địa phương sở tại giải quyết khắc phục kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do tại nạn, sự cố gây ra. Không để các đường dây điện tiếp xúc trực tiếp với mái tôn hoặc cấu kiện kim loại trong mùa nắng nóng cũng như mùa mưa bão đề phòng nhiễm điện gây mất an toàn. Chủ động kiểm tra, đo kiểm và khắc phục những hư hỏng của hệ thống chống sét của nhà và công trình nhằm đảm bảo an toàn khi có hiện tượng sét đánh thẳng.

- Mỗi gia đình, nhà chung cư, tập thể phải bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, loogia, lối lên mái … trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, thiết bị PCCC & CNCH để kịp thời thoát nạn và xử lý khi có sự cố cháy, nổ, các tình huống tai nạn, sự cố xảy ra.

- Các cá nhân, hộ gia đình có tham gia các hoạt động kinh doanh, mưu sinh trên các khu vực sông nước cần nắm vững thông tin dự báo thời tiết, tuân thủ triệt để các khuyến cáo an toàn của cơ quan chức năng để có biện pháp neo đậu thuyền, bè và các tài sản trên sông nước. Nhất thiết không được tham gia giao thông hoặc các hoạt động mưu sinh trên sông nước khi đang có bão. Phải mang theo các thiết bị bảo hộ: áo phao, bình thở khi lặn, đèn dự phòng, các thiết bị liên lạc ... khi bắt buộc phải ra ngoài trời giông, bão.

- Nêu cao ý thức chấp hành không đi vào khu vực cấm, khu vực đã có biển, đèn cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người.

II. Đối với các cơ quan, xí nghiệp, kho, bến bãi hàng hóa

- Cần chủ động tiếp nhận các thông tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để biết và dự báo nguy cơ tai nạn, sự cố trong cơ quan, xí nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình. Đồng thời, chủ động đề ra các phương án CNCH, khắc phục sự cố, tai nạn kịp thời.

- Phân công lực lượng, bố trí phương tiện và lịch trực ca cụ thể để chủ động giải quyết các tình huống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở của mình hoặc tham gia các hoạt động CNCH khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

- Chủ động kiểm tra, khắc phục ngay những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn, sự cố thuộc địa phận quản lý theo thẩm quyền: chằng, néo cố định các cấu kiện, thiết bị kỹ thuật, mái che tạm trên cao, cửa phòng làm việc, khu vực lưu giữ hàng hóa ... để phòng ngừa gió lốc làm rơi, bay xa gây tai nạn cho người và thiệt hại về tài sản, kiểm tra hệ thống kỹ thuật điện, hệ thống chống sét, hệ thống máy bơm chống úng ngập v.v... Nhất thiết phải có nguồn điện dự phòng, hệ thống chiếu sáng sự cố nhằm đảm bảo trực phòng chống lụt, bão hoặc tai nạn thương tích hiệu quả.

- Các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có tồn chứa các chất dễ cháy nổ như: LPG, xăng dầu, hóa chất cần chủ động rà soát các biện pháp an toàn, chống chảy tràn và nguy cơ phát sinh cháy nổ, các nguy cơ sét đánh thẳng tới các bồn chứa để khắc phục kịp thời. Có kế hoạch neo giữ các bồn chứa cố định tại chỗ tránh hiện tượng bồn chứa xăng dầu trôi, nổi trên mặt nước.

- Chủ động kiểm tra, đo kiểm hệ thống chống sét của nhà và công trình.

- Tập huấn, phổ biến cách giải quyết tình huống sự cố, tai nạn hoặc CNCH theo phương án đã dự kiến cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người làm việc tại cơ sở.

- Chủ động bố trí và tăng cường thường trực, ứng trực giải quyết các tình huống sự cố, tai nạn xảy ra. Phát huy phương châm bốn tại chỗ trong công tác giải quyết các sự cố, tai nạn trong khu vực thuộc quyền quản lý.

- Chấp hành các lệnh huy động lực lượng, bố trí phương tiện tham gia giải quyết các tình huống tai nạn, sự cố trên địa bàn của cơ quan có thẩm quyền.

III. Đối với các công trình xây dựng

- Chủ động thu gom vật liệu, phế thải xây dựng, các kết cấu bao che phòng chống bụi, các kết cấu giàn giáo phải được buộc, néo chặt, các cần cẩu cỡ lớn nhất thiết phải quay hướng cẩu vào trong không gian của công trình, thang vận chuyển phải được hạ xuống vị trí thấp nhất đề phòng gió, lốc làm rơi, đổ gây tai nạn cho người dân xung quanh khu vực công trường.

- Không cho công nhân làm việc trên các tầng cao, những nơi có không gian hở khi ngoài trời có mưa to, gió lớn, khi đang có sấm sét hoặc khi có khuyến cáo về tăng cường các biện pháp an toàn của các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho người.

Dừng ngay các hoạt động đào móng hoặc phát hiện có nguy cơ gây sụt lún công trình và công trình lân cận khi đang có mưa to hoặc mưa kéo dài. Phải có giải pháp phòng chống sụt lún đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi phải thực hiện việc đào xới đất đá trong mùa mưa bão.

- Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, phân công lực lượng cụ thể đối với người trực phòng chống bão, lụt và lập các phương án giải quyết tình huống tai nạn, sự cố có thể xảy ra tại công trường hoặc khu vực lân cận. Cần thiết phải thiết lập ngay biển, đèn cảnh báo vùng nguy hiểm khu vực công trường và khu vực lân cận nhằm phòng tránh tai nạn, thương tích cho người.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp an toàn cho người tại công trường xây dựng được pháp luật quy định cho người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư hoặc chủ hộ gia đình.

Khi phát hiện dấu hiệu, nguy cơ hoặc khi xảy ra các tình huống sự cố, tai nạn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và Nhân trên địa bàn quận Ba Đình hãy liên lạc ngay đến cơ quan Công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan Cảnh sát PCCC & CNCH theo số máy 114 để được hỗ trợ giải quyết khắc phục kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Khi có những thắc mắc cần giải đáp, ý kiến tư vấn, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến công tác Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (như: huấn luyện nghiệp vụ PC&CC, trang bị phương tiện PC&CC, thủ tục hành chính liên quan đến công tác PC&CC … ) trên địa bàn quận, các cơ quan, tổ chức và bà con nhân dân có thể liên lạc đến Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Ba Đình, Địa chỉ: Số 131 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Tp Hà Nội, Điện thoại: 0243.2669110 để được hỗ trợ giải đáp hoặc phối hợp triển khai thực hiện kịp thời.

Zalo

Hình 1: Cây đổ trong mùa giông lốc gây nguy hiểm cho người và công trình

Zalo

Hình 2: Gió lốc làm sập nhà dân có kết cấu tạm trên địa bàn gây nguy hiểm cho người

Nguồn: Báo điện tử quận Ba Đình


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Tin mới nhất

Liên kết website