Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động chuyên môn

Phiếu ôn tập giữa học kì II Lớp 5 - môn Tiếng Việt

28/03/2021
PHHS vui lòng tải tài liệu dưới đây.Phiếu ôn tập giữa HK 2 - môn Tiếng Việt - Lớp 5 (3).docx

UBND QUẬN BA ĐÌNH

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

Họ và tên: ..............................................

PHIẾU ÔN TẬP GIỮA HỌC KÌ 2

Môn: Tiếng Việt

Lớp 5

 

A. KIỂM TRA ĐỌC : (10 điểm)

I. Đọc thầm bài văn và làm bài tập (7 điểm

Người chạy cuối cùng

       Cuộc thi chạy hàng năm ở thành phố tôi thường diễn ra vào mùa hè. Nhiệm vụ của tôi là ngồi trong xe cứu thương, theo sau các vận động viên, phòng khi có ai đó cần được chăm sóc y tế. Khi đoàn người tăng tốc, nhóm chạy đầu tiên vượt lên trước. Chính lúc đó hình ảnh một người phụ nữ đập vào mắt tôi. Tôi biết mình vừa nhận diện được “người chạy cuối cùng”. Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối cứ đưa ra. Đôi chân tật nguyền của chị tưởng chừng như không thể nào bước đi được, chứ đừng nói là chạy. Nhìn chị chật vật đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia mà lòng tôi tự dưng thở giùm cho chị, rồi reo hò cổ động cho chị tiến lên. Người phụ nữ vẫn kiên trì tiến tới, quả quyết vượt qua những mét đường cuối cùng. Vạch đích hiện ra, tiếng người la ó ầm ĩ hai bên đường. Chị chầm chậm tiến tới, băng qua, giật đứt hai đầu sợi dây cho nó bay phấp phới sau lưng tựa như đôi cánh.

       Kể từ hôm đó, mỗi khi gặp phải tình huống quá khó khăn tưởng như không thể làm được, tôi lại nghĩ đến “người chạy cuối cùng”. Liền sau đó mọi việc trở nên nhẹ nhàng đối với tôi.

Câu 1: Nhiệm vụ của nhân vật “tôi” trong bài là:

A. Đi thi chạy.                            B. Đi diễu hành.

C. Đi cổ vũ.                              D. Chăm sóc y tế cho vận động viên.

Câu 2: “Người chạy cuối cùng” trong cuộc đua có đặc điểm gì?

A. Là một em bé .

B. Là một cụ già .

C. Là một người phụ nữ có đôi chân tật nguyền.

D. Là một người đàn ông mập mạp.

Câu 3: Nội dung chính của câu chuyện là:

A. Ca ngợi người phụ nữ đã giành chiến thắng trong cuộc thi.

B. Ca ngợi người phụ nữ có đôi chân tật nguyền, có nghị lực và ý chí đã giành chiến thắng trong cuộc thi chạy.

C. Ca ngợi tinh thần chịu thương, chịu khó của người phụ nữ.

D. Ca ngợi ý chí kiên cường của người phụ nữ. 

Câu 4: Từ trái nghĩa với từ “kiên trì”?

A. Nhẫn nại                                               B. Chán nản

C. Dũng cảm                                               D. Hậu đậu

Câu 5: Từ “băng” trong các từ “băng giá, băng bó, băng qua” có quan hệ với nhau như thế nào?

A. Đó là một từ nhiều nghĩa.                        

B. Đó là những từ đồng nghĩa.                     

C. Đó là những từ trái nghĩa

D. Đó là những từ đồng âm

Câu 6: Trong các câu sau, câu nào là câu ghép ?

A. Nhiệm vụ của tôi là ngồi trong xe cứu thương, theo sau các vận động viên, phòng khi có ai đó cần được chăm sóc y tế.

B. Người phụ nữ vẫn kiên trì tiến tới, quả quyết vượt qua những mét đường cuối cùng.

C. Vạch đích hiện ra, tiếng người la ó ầm ĩ hai bên đường.

D. Chị chầm chậm tiến tới, băng qua, giật đứt hai đầu sợi dây cho nó bay phấp phới sau lưng tựa như đôi cánh.

Câu 7: Viết thêm một vế câu vào chỗ trống để tạo thành câu ghép chỉ quan hệ tương phản:

Mặc dù đôi chân của chị bị tật nguyền……………………………………………… ……………………………………………….………………………………………

Câu 8: Hai câu văn sau liên kết với nhau bằng cách nào?

Chính lúc đó hình ảnh một người phụ nữ đập vào mắt tôi. Người phụ nữ vẫn kiên trì tiến tới, quả quyết vượt qua những mét đường cuối cùng.”

         A. Dùng từ ngữ nối. (Đó là…………………………………………………..)

         B. Lặp từ ngữ. (Đó là: ……………………………………………………….)

         C. Thay thế từ ngữ. (Đó là: ………………………………………………….)

Câu 9 : Qua câu chuyện em rút ra được bài học gì cho bản thân?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 10: Viết hai câu văn tả một loại cây mà em yêu thích, trong đó có sử dụng cách thay thế từ ngữ để liên kết câu.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 

 

II. Kiểm tra đọc thành tiếng kết hợp kiểm tra nghe nói (Kiểm tra từng cá nhân): 3điểm

         * Nội dung kiểm tra:

         + Giáo viên thống nhất trong khối chọn một đoạn văn trong các bài tập đọc đã học ở SGK Tiếng Việt lớp 5 hoặc một đoạn văn không có trong sách giáo khoa( do GV lựa chọn và chuẩn bị trước, ghi rõ tên bài, đoạn đọc và số trang vào phiếu cho từng học sinh bốc thăm rồi đọc thành tiếng)

         + HS trả lời 1 câu hỏi về nội dung hoặc nghệ thuật của bài đọc.

B. KIỂM TRA VIẾT( 10 điểm)

I . Chính tả : ( nghe- viết: 2 điểm )

Triền đê tuổi thơ

Tuổi thơ tôi với con đê sông Hồng gắn liền như hình với bóng, tựa hai người bạn thân thiết suốt ngày quấn quýt bên nhau. Từ lúc chập chững biết đi, mẹ đã dắt tôi men theo bờ cỏ chân đê. Con đê thân thuộc đã nâng bước, dìu dắt và tôi luyện cho những bước chân của tôi ngày một chắc chắn để tự tin lớn lên, tự tin vào đời. Chẳng riêng gì tôi mà hầu hết những đứa nhỏ sinh ra ở làng đều coi con đê là bạn.

(Theo Nguyễn Hoàng Đại)

 

II. TẬP LÀM VĂN: ( 8 điểm):

Học sinh chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Sân trường em có rất nhiều cây bóng mát. Hãy tả lại một cây mà em thích.

Đề 2: Em có rất nhiều đồ vật thân quen, mỗi đồ vật ấy  gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của em. Hãy tả một trong các đồ vật đó.

 

 

ĐÁP ÁN

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 điểm)

I. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức Tiếng Việt ( 7 điểm )

Câu 1: Ý D. (0,5 điểm)                    

Câu 2: Ý C. (0,5 điểm)                    

Câu 3: Ý B. (1 điểm)                       

Câu 4: Ý B. (0,5 điểm)  

Câu 5: Ý D. (0,5 điểm)           

Câu 6: Ý C. (0,5 điểm)

Câu 7: HS tự điền vế câu thích hợp (1 điểm)

Câu 8: Ý B. (0,5 điểm)

Câu 9: HS nêu được ý biết kiên trì, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. (1 điểm)

Câu 10: HS tự viết hai câu đúng ngữ pháp và đúng nội dung tả một loại cây, trong đó có sử dụng cách thay thế từ ngữ để liên kết câu. (1 điểm)

II. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)

* Cách đánh giá, cho điểm:

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

              

B- BÀI VIẾT : 10 đ

I. Chính tả : (Nghe- viết: 2 điểm)

* Hướng dẫn chấm điểm chi tiết

- Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch đẹp: 1 điểm

- Viết đúng chính tả( không mắc quá 5 lỗi) : 1 điểm

II. Tập làm văn : 5 điểm

Qua bài văn của học sinh, giáo viên đánh giá: khả năng lập ý, sắp xếp ý; khả năng dùng từ, đặt câu, liên kết câu; khả năng thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của học sinh về cây bóng mát trong sân trường hay một đồ vật quen thuộc trong gia đình.

* Hướng dẫn chấm điểm chi tiết:

+ Mở bài : 1 điểm: Giới thiệu được cây bóng mát hoặc đồ vật gắn bó với học sinh.

+ Thân bài: 4 điểm ( Nội dung: 1,5 điểm- Kĩ năng : 1,5 điểm- cảm xúc: 1 điểm)

+ Kết bài : 1 điểm

+ Chữ viết, chính tả: 0,5 điểm

+ Dùng từ, đặt câu: 0,5 điểm

+ Sáng tạo: 1 điểm.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Tin mới nhất

Liên kết website