Trang chủ Trang chủ

Thư viện trường Tiểu học Kim Đồng giới thiệu sách tháng 1 “Sự tích bánh Chưng, bánh Dày”

22/01/2024
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trên bếp lửa hồng là một nồi bánh chưng xanh, trên mâm cỗ cúng gia tiên của bất kỳ gia đình Việt Nam nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà bản sắc dân tộc đó là món bánh chưng xanh.

Có ai đặt câu hỏi: Vì sao người Việt Nam có bánh chưng xanh? Vì sao món bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ cúng tổ tiên trong dịp tết chưa nhỉ? Để trả lời cho câu hỏi đó xin mời các bạn tìm đọc cuốn sách có tựa đề “ Sự tích bánh Chưng bánh Dày” sách do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2021, khổ sách 20,5x20,5cm, mỗi trang sách đều có tranh minh họa kèm theo rất sinh động.

Bánh Chưng, bánh Dày là hình ảnh của quê hương với màu xanh của ruộng đồng, sông núi. Bánh được làm ra từ những hạt "ngọc thực" quý nhất của thiên nhiên, sinh sôi nảy nở trên những triền đất phù sa đồng bằng dưới sức lao động của con người. Những sản vật giản dị, đậm đà hương vị không những ẩn chứa các giá trị văn hóa và tâm linh mà còn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.

Theo dân gian, bánh Chưng hình vuông, có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh Dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng, không nhân vị.      

Truyện kể rằng vua Hùng thứ 6 có 20 người con trai, tất cả đều thông minh và tài giỏi. Trong đó hoàng tử thứ 18 tên là Lang Liêu, mẹ Lang Liêu mất sớm nên chàng sống tại làng quê quanh năm cấy cày trồng trọt. Khi vua già yếu muốn kén người kế vị nhưng không biết chọn ai, Vua Hùng đã gọi tất cả các hoàng tử tới và nói rằng “Đến ngày hội đầu năm mới ai dâng được món ngon và ý nghĩa để cúng trời đất sẽ được truyền ngôi báu”. Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ. Chỉ có hoàng tử Lang Liêu mãi mà chưa nghĩ ra lễ vật gì để dâng lên vua cha. Một hôm trong giấc mơ, một bà tiên đã hiện ra và nói với Lang Liêu rằng “Không có gì rộng lớn hơn trời đất, cũng không có gì quý giá hơn hạt gạo. Ta sẽ chỉ cho con cách làm hai loại bánh vừa thơm ngon, vừa ý nghĩa”. Khi tỉnh dậy, hoàng tử Lang Liêu mừng rỡ kể với dân làng và cùng nhau làm hai loại bánh ấy.

Họ vo gạo rồi cho gạo nếp, đậu xanh cùng thịt heo vào gói lại bằng lá dong để làm loại bánh thứ nhất. Sau đó lại đồ xôi, giã nhuyễn, tạo hình tròn để làm loại bánh thứ hai.

Đến ngày dâng lễ vật lên vua cha, nhà vua nếm thử tất cả các món ăn mà các hoàng tử mang tới. Khi nếm tới hai món bánh của Lang Liêu thì rất ngạc nhiên. Người hỏi Lang Liêu vì sao lại có thể làm được hai loại bánh này.

Lang Liêu đem giấc mơ gặp bà tiên kể lại cho vua cha nghe, chàng cũng nói thêm loại bánh màu xanh, hình vuông tượng trưng cho mặt đất có cây cỏ và muông thú. Còn loại bánh màu trắng tượng trưng cho bầu trời bao la rộng lớn.

Vua cha nghe xong hài lòng lắm và quyết định truyền lại ngôi báu cho Lang Liêu và nói rằng hàng năm hãy làm hai loại bánh này để cúng đất trời và tổ tiên. Phong tục gói bánh Chưng, bánh Dày vẫn được duy trì từ đó tới tận ngày nay.

Cuốn sách Sự tích bánh Chưng bánh Dày hiện có trên Thư viện trường Tiểu học Kim Đồng, kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh tới đọc!

Thư viện trường Tiểu học Kim Đồng
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Tin mới nhất

Liên kết website